Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Bai cam nhan sau khi tham Bao tang HCM

Bến Nhà Rồng, khi nhắc đến địa điểm này, ắt hẳn trong mỗi người công dân Việt Nam đều biết một điều  rằng chính tại nơi đây, vào ngày 05/06/1911, với cái tên anh Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu Admiral Latouche Tréville xin làm chân đầu bếp, để có điều kiện sang châu Âu và bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước. Ngày nay, tòa nhà được dùng làm nơi trưng bày các hiện vật và hình ảnh về đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ Tịch.
Suốt cuộc hành trình từ 1911 đến 1917, Nguyễn Tất Thành đã đi qua 4 châu lục, 28 quốc gia khác nhau, làm đủ mọi nghề cực nhọc như phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết…vừa để kiếm sống, vừa thực hiện khát khao của mình. Mỗi nơi Người đi qua, mỗi công việc Người làm đều để lại một tình cảm tốt đẹp trong lòng những người dân nơi đây. Ở bất cứ đâu, Người  cũng thấy sự bất công, sự áp bức, bóc lột, từ đó Bác càng hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc hơn. Nhưng Bác vẫn chưa tìm thấy con đường mình đang tìm kiếm. Cách mạng vô sản tháng mười Nga thành công đã tác động đến hướng hoạt động của Người, đến khi đọc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa chính là lúc Người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Bản luận cương đã giải đáp những thắc mắc mà bấy lâu nay Bác đi tìm kiếm câu trả lời. Bác đã khóc, vui mừng biết bao nhiêu, ngồi trong phòng mà Bác reo lên như nói cùng dân tộc. Lúc nào nỗi niềm thương nhớ về quê hương cũng trào dâng trong tim Bác. Ta cảm nhận ở Hồ Chí Minh một trái tim tràn đầy nhiệt huyết lúc nào cũng sục sôi cùng thời đại. Những năm tháng ở nước ngoài Bác đã bao lần bị tù đầy, chịu đựng biết bao gian khổ nhưng lúc nào sự lạc quan, tin tưởng vào con đường mình đã chọn vẫn luôn thể hiện trên gương mặt Bác. Ngừơi đã chọn con đường cách mạng vô sản, chọn chủ nghĩa Mác- Lênin làm tư tưởng chỉ đạo và Người luôn tin vào sự lựa chọn đó. Cả một thời tuổi trẻ Hồ Chí Minh đã dành cho việc tìm đường cứu nước, thời gian còn lại của đời Người lại dành cho cuộc đấu tranh, lãnh đạo dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Ở Người ta nhận thấy có một sự hi sinh quá lớn. Bởi thế mà Người chẳng có một gia đình riêng “ cuộc đời Người là của nước non”. Bác là vị lãnh tụ nhưng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, với mọi ngừơi dân nghèo khổ. Bác yêu thương, chăm sóc các em nhỏ như một ngừơi ông, với các chiến sĩ Bác như là một ngừơi cha. Từng giọng nói của Ngừơi thật ấm áp, từng việc làm thật bình dị. Vì thế mà Ngừơi đã chinh phục được trái tim của cả dân tộc Việt Nam , của cả thế giới. Bao đêm trằn trọc không ngủ Người mong muốn nước nhà độc lập, được thống nhất mau sớm để Người đựơc trở lại miền Nam yêu thương, nhưng chiến tranh cứ kéo dài, kéo theo mong muốn ấy đến lúc Người mất.
Ngày ấy, Bác Hồ trong mắt tôi chỉ là một ông lão tóc bạc phơ, có nụ cười thánh thiện, rất yêu thương thiếu nhi và thiếu chi chúng tôi cũng thế, rất mực yêu thương và kính trọng Bác. Mỗi lần đi chơi xa, mỗi lần sinh hoạt lớp, tôi vẫn thường nghêu ngao hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam” và rất vinh hạnh khi được tuyên dương với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Một cảm xúc khó tả cứ dâng trào trong tâm hồn tôi, một hình ảnh “vị cha già kính yêu” thực sự hiện lên rõ nét nhất khi đến thăm bao tàng. Thật tự hào biết bao!
Tham quan bảo tàng, xem lại những tư liệu, hình ảnh, những hiện vật đã gắn liền với đời sống của Bác, mới cảm nhận cuộc sống gian khổ của Bác, mới thấy được đức hi sinh cao cả của Người vì sự tự do độc lập dân tộc. Qua lời kể của chị thuyết trình viên, con đường và sự nghiệp cứu nước của Bác như được tái hiện trước mắt chúng tôi, mọi người không khỏi xúc động khi chị kể về việc Bác dùng viên gạch nung để chống chọi với thời tiết giá rét ở xứ người.
Suốt ba mươi năm bôn ba khắp nơi tìm đường giải phóng dân tộc, cuộc đời của Bác là một sự hi sinh vô bờ bến, một trái tim nhiệt huyết và một tấm lòng cao cả. Người là một tấm gương sáng chói cho toàn thế hệ dân tộc, con cháu Việt Nam. Từng dòng người nối tiếp nhau vào tham quan, không chỉ là các bạn sinh viên mà còn có cả du khách nước ngoài cũng đến đây tìm hiểu, lắng nghe về con người, về hành trình cứu nước gian khổ của một vị lãnh tụ tài ba, và dĩ nhiên có cả những em thiếu niên nhi đồng hết mực kính yêu Bác Hồ Chí Minh.
Trên đường rời khỏi Bến Nhà Rồng, tôi thầm hứa với Bác sẽ cố gắng học tập, cống hiến sức mình cho đời, quyết chí noi theo tấm gương Hồ Chủ Tịch vĩ đại, xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” mà ngày xưa tôi vẫn thường tự hào. Tự hào lắm Bác ơi!